Đến thăm mái ấm trẻ mồ côi ở Long An
Hôm nay là ngày 28 tháng 6 năm 2020, gia đình mình cùng vài người thân đã lên kế hoạch đến thăm mái ấm trẻ mồ côi ở Long An. (xem VIDEO tại đây!) và (Hình ảnh hoạt động tại đây!)
Xuất phát từ lúc 9h, do nhiều đồ nên đoàn đã sắp xếp đi hai xe cho tiện. Hai chiếc xe chất đầy những thùng đồ chứa bánh kẹo, quà vặt và hoa quả. Vì trước chuyến đi mình và mẹ đã có dịp ghé qua cơ sở ở quận 4 để gặp được sư cô và xem những đoạn clip về các em thế nên có lẽ đó là lý do tại sao mình cảm thấy háo hức hơn mọi người.
Đường đi mất hơn 1 tiếng rưỡi nhưng thực sự rất đáng thời gian và công sức bỏ ra. Đến nơi thì cũng đã gần hơn 11h trưa thế nên mọi người đã rửa tay và ăn trưa ngay sau khi đến. Chùa rất rộng, ngay cổng có một tảng đá khắc chữ “MÁI ẤM TÂM ĐỨC” rất lớn.
Mình và gia đình đã ngồi ăn trưa cùng các em nhỏ ở chùa. Bữa trưa giản dị cùng các món như cơm, chả cá, canh bí đỏ và một ít đồ xào. Trước bữa ăn, các cô đã hình thành thói quen niệm phật và một biến chú đại bi cho các em. Mình ngồi thẫn thờ ngạc nhiên trước sự tự giác và đồng thanh của các em. Chú đại bi không phải ai cũng học thuộc và đọc theo nhanh được, tuy nhiên 63 em, ai cũng đọc to và rõ làm cho mình phải ngỡ ngàng. Hầu như em nào cũng tự giác xúc ăn không cần các cô nhắc, điều này cho mình thấy rằng sự khó khăn và thiếu thốn đã rèn cho các em đức tính tự lập ngay từ khi rất bé. Không như em mình, nó mải mê chạy theo thằng bạn của nó ra đường, suýt nữa thì có chuyện. Em Tommy được sinh ra trong hoàn cảnh may mắn hơn tất cả các em ở đây, tuy nhiên, nó còn thua kém về mặt tự giác và tự lập rất nhiều so với các em. Tommy tuy lớn hơn 80% các em ở đây nhưng nó vẫn chưa biết tự xúc ăn nhanh và tránh sự nhắc nhở của bố mẹ.
Sau bữa ăn, các em đi giao lưu cùng với đoàn. Hình ảnh ngây thơ và hồn nhiên của các em làm cho mình cảm thấy khó tả. Các cô cho hai bé nhỏ nhất trong gia đình ra giao lưu để cả đoàn cùng nhau thay phiên ôm các em vào lòng. Bé gái tầm hơn sáu tháng tuổi, da em trắng, tóc được các cô cắt tỉa để lại một chỏm nhỏ ở đỉnh đầu giống như chú tiểu, mắt em mở ra to tròn nhìn mình một cách trìu mến. Huệ Hy là cái tên Sư cô đã đặt cho em.
Em rất ngoan ngoãn bám theo suốt buổi, mình cũng không nỡ buông em xuống. Mình đi dạo vài vòng cho em chơi, quay vài clip làm kỷ niệm và đi vòng vòng chụp vài tấm ảnh cùng các em nhỏ, em vẫn không quấy khóc mà vẫn luôn ngồi yên và chơi đáng yêu. Có lẽ do thiếu sự âu yếm của ba mẹ nên em cũng đã dần quen cảm nhận tình yêu thương và chăm sóc của nhiều người xung quanh.
Mẹ mình không quên tập trung các em để chụp ảnh làm lưu niệm, rồi sau đó chuyển quà vào để phát. Mình xung phong phát bánh kẹo cho các em. Các cô quản lý việc xếp hàng rất chặt chẽ vì thế việc trao quà rất nhanh chóng và dễ dàng. Mình ấn tượng cách các em xếp hàng theo thứ tự, đến nhận quà mà không chen lấn, xô đẩy. Kể cả các em nhỏ nhất cũng cố nhón chân với lấy bịch bánh, trông thật đáng yêu làm sao! Sau khi lấy quà, em nào cũng có ý thức biết cúi đầu cảm ơn.
Cô Nguyệt là một thành viên tham gia lâu năm của CLB Thiện Nguyện của mẹ mình, hầu như những lần đi từ thiện trước đây cô đều có mặt. Cô hay hóa trang chú hề và chuyên gia làm bong bóng nghệ thuật để mang đến niềm vui cho các em nhỏ. Thường các em ở chùa ít được trải nghiệm thú vui của trẻ con bình thường vì thế sự hiện diện của cô đóng vai trò khá lớn về mặt giải trí của câu lạc bộ. Mẹ mình hẹn Cô Nguyệt giờ phút cuối nhưng may mắn là cô sắp xếp thời gian kịp nên đã đủ duyên đi tham dự. Sau khi phát bánh kẹo, các em di chuyển xếp một hàng dài trước cô để được ngắm cô làm những con thú khác nhau từ bong bóng.
Hình ảnh cô thầm lặng, lặng lẽ tạo hình những chiếc bong bóng nhiều màu sắc một cách rất chuyên nghiệp, khéo léo và điêu luyện, thu hút mọi ánh nhìn của các em. Các em tụ tập bao quanh cô, say sưa nhìn bàn tay của cô biến hoá những chiếc bong bóng dài nhàm chán thành những con vật ngộ nghĩnh, những thanh kiếm sức mạnh, và những bông hoa nhiều màu sắc. Bong bóng tuy không phải là món quà đắt tiền nhưng nó đủ để mang lại niềm vui tới các em nhỏ, nó được thể hiện qua cách các em nô đùa với những chiếc bong bóng được tặng. Vài em cùng bạn bè chiến đấu với những thanh kiếm, nó mang lại tiếng cười và sự kết nối đến các em.
Ngoài sự hiện diện của cô Nguyệt, Bà nội, Chú Hà và cả Mẹ Tùng Dương cũng có mặt tại buổi từ thiện. Ban đầu lịch trình đi thăm chỉ có hai mẹ con mình nhưng vì đủ duyên nên mới có sự góp mặt thêm của nhiều người. Mặc dù lên kế hoạch và báo lịch sớm cho Bác Loan, Thím Phượng và Cô Hạnh nhưng cuối cùng cả ba người vắng mặt trong ngày hôm đó, tuy nhiên, những người đi theo chuyến xe lên chùa lại hẹn giờ phút cuối để được đi. Kể cả ba mình, lúc đầu chưa chắc chắn nhưng cuối cùng vẫn có đủ duyên để đến Mái Ấm cùng mọi người.
Đến đây thì mình muốn kể tới một người quan trọng, đóng góp lâu năm của CLB mà không sự hiện diện hôm nay, người đó là ông Nội của mình. Ông mất cách đây được gần 1 năm. Nỗi đau thương sau sự ra đi của ông cũng đã dần lành lại trong tim của mọi người, đặc biệt là ở bà mình. Bà mình đang tập dần với cách sống không có ông bên cạnh mỗi ngày. Các cô chú trong nhà cũng đã dần quan tâm tới bà nhiều hơn và thường luân phiên lui tới thăm bà vì mọi người muốn bà tránh xa sự cô đơn và lạnh lẽo khi ở nhà một mình. Vì là người ở gần bà nhất, gia đình mình thường xuyên sang thắp hương bàn thờ tổ tiên và ông nội, ăn cơm tối cùng bà hoặc đưa bà đi chơi đâu đó để thoải mái đầu óc. Chuyến từ thiện này cũng là một phần ví dụ.
Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên thiếu sự đồng hành của ông. Giá như ông có ở đây để chứng kiến sự trưởng thành của mình và em Tommy sau những chuyến đi từ thiện. Mình đang dần làm quen với việc không có tiếng cười và sự lạc quan của ông mang lại trong những chuyến đi trước đây, Ông luôn vui vẻ với các em nhỏ, xem các em như cháu ruột. Mình mong rằng dù cho ông không có ở đây cùng đồng hành với mình trong các chuyến đi sắp tới nhưng ở đâu đó ông sẽ nhìn xuống và cảm thấy tự hào về mình vì mình đã biết chia sẻ tấm lòng yêu thương và hạnh phúc của mình đến những người bất hạnh và kém may mắn hơn mình.
Nói về câu lạc bộ thì Mẹ mình là người không thể thiếu. Mẹ không chỉ là người chủ nhiệm câu lạc bộ mà mẹ là người lên kế hoạch, công tác chuẩn bị quà cáp và là người kết nối với các chùa & trung tâm. Mọi việc từ a-z điều là một tay mẹ lo, mình thường đi theo sau để phụ việc lặt vặt cho mẹ như gói quà, lấy hoá đơn, kiểm số lượng đồ… Sau nhiều lần làm công việc trợ lý cho mẹ, mình học hỏi được rất nhiều thứ từ mẹ. Mẹ mình không thích ngồi không để chờ đợi, mẹ thường “tận dụng” thời gian bằng cách hoàn thành một việc gì đó ví dụ như dán hình ảnh album trên đường đi nhà máy, dạy mình học tiếng pháp lúc đợi gọi số ở bệnh viện hoặc bàn bạc chuyện đi học và cuộc sống với mình.
Mẹ luôn miệng nhắc mình rằng thời gian trôi qua sẽ không lấy lại được. Một việc nữa mà mình học được từ mẹ là cách mẹ lên lịch trình, sắp xếp và giao công việc. Trong nhà mẹ mình được coi là một người làm việc nhanh nhẹn, tháo vát và có kỹ năng xử lý tình huống cao. Mẹ mình luôn mong muốn mình rèn luyện và học hỏi đức tính này ở mẹ vì nó rất quan trọng và cần thiết cho cuộc sống sau này của mình. Mẹ dặn buổi sáng là thời gian thích hợp nhất để bàn giao công việc cho mọi người để trong ngày mọi người có thời gian để triển khai và thực hiện công việc. Mấy ngày hè, mình thường đi chạy việc cùng mẹ nên mình thường chứng kiến cảnh mẹ sắp xếp và lên lịch trình trong ngày. Mẹ lên kế hoạch lộ trình trong ngày để tiện việc đi lại. Công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi muộn giờ, huỷ hẹn thì mẹ sẽ chuyển hướng đi khác để hoàn thành những công việc của ngày tiếp theo để thay thế thời gian trống. Có quá nhiều ví dụ cho sự nhanh nhẹn và xử lý tình huống cao của mẹ nhưng mình không thể kể hết. Một điểm quan trọng nữa mà mình rất thích ở mẹ là cuốn nhật ký huyền thoại không ai đọc được ngoài mẹ. Mẹ hình thành thói quen ghi chú sự việc trong ngày và ghi lại event quan trọng sắp diễn ra trong cuốn sổ để nhắc nhở bản thân, tránh làm lỡ việc. Cuốn sổ tay nhỏ vừa đủ để mang theo trong người một cách tiện lợi. Sổ tay có 365 cột ngày được chia ra sẵn để người dùng dễ tìm kiếm lại thông tin cần thiết một cách dễ dàng nhất. Suốt 10 năm qua mẹ mình đã xài qua 10 cuốn. Mọi việc chi tiết của sự việc diễn ra trong năm, thời gian hai chị em mình lớn lên, những chuyện không hay xảy ra đều được ghi chú lại với những dòng cảm xúc riêng của mẹ. Mẹ mình sau khi sinh hai chị em mình, đầu óc và trí nhớ không còn minh mẫn như xưa nữa nên việc ghi chép rất quan trọng. Mình đang dần dần hình thành thói quen viết sổ tay vì mình cũng hay quên.
Nói đi nói lại thì ba mình cũng là một thành viên không thể thiếu trong những chuyến đi như thế này. Dù bận nhưng bố cũng gác tạm công việc sang một bên để đi cùng. Không những thế, bố cũng háo hức mặc bộ đồ cặp cùng gia đình tạo điểm nhấn 4 thành viên của chuyến đi. Ba mình lái một chiếc xe chở tầm 4-5 người gồm có bà, chú và cô Nguyệt. Bố góp sức phát quà cùng mọi người, đều này cho thấy rằng cho dù việc bận cỡ nào thì bố vẫn luôn tạo khoản thời gian riêng cho gia đình, tham gia chuyến đi để niềm vui được nhân đôi.
Quay lại với chủ để chuyến đi, khi mọi người tiến hành phát quà, em mình và thằng bạn của nó cũng hí ha hí hửng chạy đến dành mấy bịch cho bằng được để phát. Hình ảnh hai thằng nhóc phát quà nhìn thật chững chạc vô cùng. Thường ngày tính nó vô tư, quậy phá nhưng hôm nay em nó đã tự biết nhận thức cách chia sẻ và yêu thương. Nó hăng hái phát quà, làm bạn. Có lẽ chuyến đi này đã dạy cho hai em rằng có rất nhiều người kém may mắn hơn nó, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả tình thương. Đôi lúc nó vòi vĩnh một món đồ chơi, tầm 2-3 phút thì bố mẹ mua ngay hay chỉ vì một việc nho nhỏ xảy ra ngoài ý muốn của nó thì nó có thể quấy khóc hàng tiếng đồng hồ. Các em ở chùa sống thiếu thốn về mặt tình thương, hạnh phúc nho nhỏ của nó đơn giản chỉ là một bữa cơm cùng gia đình, được gọi tiếng “ba mẹ” và được sống trong sự bảo bọc. Nghĩ tới đây mình rưng rưng nước mắt, một phần cảm thấy có lỗi với bố mẹ của mình.
Trong vòng 3-4 tiếng ở chùa, mình đã dành thời gian để trò chuyện hỏi thăm sư cô và các cô bảo mẫu về sinh hoạt của các em. Vừa đi mình vừa ẵm em Huệ Hy đi cùng. Mình giao lưu cùng các em khác, một trải nghiệm mà mình cho là rất thú vị. Dù bận, mình vẫn không quên việc chụp ảnh cùng gia đinh. Tầm 3h30 mọi người bắt đầu di chuyển về. Tôi cảm thấy lưu luyến với chùa và các em nhỏ. Tôi đòi cô cho mình bế em Hy vào nôi và dỗ em ngủ nhưng có lẽ em cũng lưu chuyến, không muốn cho mình về. Cô bảo mẫu đành phải bế em ra xe chào mình về. Trên đường về, mình và mẹ không thể thôi việc nhắc tới em Hy và Ngọc. Mọi người ai cũng cảm thấy ấn tượng với các em. Sư cô hứa tầm 4-5 tháng, các em gái sẽ về lại cơ sở quận 4. Việc này nghĩa là đường đi sẽ bớt xa hơn khi mình muốn đến thăm các em. Mình cảm thấy ấm lòng trên đoạn đường về.
Một sự trùng hợp mà mình không thể nào không nhắc tới là ngày gia đình. Mẹ cho rằng chuyến đi này nhằm mục đích chia sẻ và thấu hiểu cho những bạn kém may mắn khi không có gia đình. Thay vì ngày gia đình chỉ cần một buổi ăn tối cùng nhau và kỷ niệm TNHP nhỏ bé thì mẹ muốn tình thương gia đình lan tỏa tới mái ấm. Kết nối, trao yêu thương, đúng với tinh thần của câu lạc bộ tình thương mà mẹ mình đã thành lập và duy trì suốt 15 năm nay. Tôi muốn sau này khi mẹ truyền lại câu lạc bộ cho mình làm người tiếp nối thì mình vẫn có thể giữ được tinh thần và đam mê mà mẹ mình đã dành cho câu lạc bộ như từ trước tới nay.